GIA PHẢ HỌ KUT KUK THANG

"

Làng Hậu Sanh (Palei Thuan) cùng với quá trình di cư, định cư liên quan đến tập tục của cộng đồng Chăm Ahier và Aval.

Palei Thuan (Hậu Sanh) ngày nay, nhìn theo gốc độ lịch sử và địa danh có thể khẳng định là làng định cư sau cùng của người Chăm vùng Paduranga (tỉnh Ninh Thuận), dấu tích còn lại và nhiều người truyền miệng với nhau kể cả tư liệu lịch sử đã ghi nhận. Dòng người di cư đầu tiên đến làm ăn lập ấp tại Xóm Quít (Palei Aia KRối), sau chạy giặc lên lánh nạn tại núi Cơk Aia Pành một thời gian, đến lúc bình yên mới dời về tại làng Hậu Sanh (Palei Thuan) hiện hữu như ngày nay (chi tiết có thể tham khảo tư liệu lịch sử làng Hậu Sanh của xã Phước Hữu và Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận). Trong dòng người di cư có 2 nhóm chủng tộc Ahier và Aval cùng sinh sống với nhau, dấu tích còn để lại dòng Ahier có 2 Kút tồn tại đến bây giờ, đó là: Kuk Hamu Kuk Thang(tục danh ruộng Kuk Thang) và Kút Bà Rố, Kuk Hamu Kuk Thang hiện không còn chủ được bên gia đình ông Phú Thơ phục dịch (vì làm ruộng tại đất Kút, lúc đầu chỉ cúng ruộng hàng năm, sau cúng Kút theo phong tục như bây giờ), còn Kút Bà Rố hiện có gia đình con cháu bà Củ (là con nuôi) đang phục dịch, sau định cư ổn định bên họ Ná, họ Nại mới dời Kút từ nơi cũ về lập Kút mới tại vị trí như bây giờ. Còn dòng người Aval có 2 mộ (Ghur) tại 2 vị trí: Ghur Đao và GhurBố Rak sau giải phóng họ dời mộ về làng Văn Lâm nên khu vực này không còn hiện trạng nữa vì bà con đã san lấp làm ruộng và khu dân cư mới.

Hiện nay, Palei Thuan có 11 tộc họ và 10 thang Kút được xây dựng khang trang hơn, trong đó: 07 thang Kút của 07 tộc họ xây tại làng, 03 thang Kút của 03 tộc họ nằm ở các làng khác, một dòng tộc mới tách do số người còn ít nên chưa có thang Kút (tư liệu của Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận), đặc biệt có 01 Kút vô chủ chỉ có Ram Kút với 03 viên đá chạm họa hoa văn cổ, sau được nhánh gia đình bà Lý, bà Quận dời lên đất gò như ngày nay.

Từ bối cảnh trên có thể đưa đến nhận định về mối liên quan giữa Làng-Tộc họ-Ram Kút như sau:

- Trước khi dòng người di cư đến lập ấp tại Aia Krối thì khu vực này đã có dân sinh sống và lập nghiệp nên có đất ruộng, có Ram Kút còn tồn tại đến nay. Sau thời kỳ càn quét thì tộc họ này hoặc di tản đi nơi khác hoặc bị chết nên không còn thân nhân đến liên hệ nữa, đến lúc định cư ổn định tại làng Hậu Sanh (Palei Thuan) thì Tộc họ Ná và Nại mới dời Kút về, cùng một số tộc họ khác mới tiến hành xây dựng Ram Kút cho tộc họ mình như ngày nay. Riêng tộc họ Aval một số thì di cư đến các làng khác, chỉ còn dòng tộc Tâm Nây trụ lại một thời gian và cũng di tản sau cùng.

- Thời điểm đó dân số còn ít và liên tục bị chiến tranh nên không ổn định, đời sống bị đảo lộn, kinh tế khó khăn, việc tổ chức dòng tộc chưa điển hình, quan tâm chính là bảo toàn tính mạng, đảm bảo lương thực để phục vụ cho sinh hoạt, cho an ninh tại nơi ở mới, lúc đó vừa đối phó với hỗn loạn vừa chống thú dữ nên chết ở đâu thì thiêu (chôn) ở đó, đi tới đâu dời hành trang tới đó và mang cả hài cốt đi theo cho đến khi bình yên mới tiến hành lập Ram Kút và tổ chức nhập Kút đúng nghi thức của tộc họ mình.

"