GIA PHẢ TỘC HỌ LÝ KHANH CHƠK (Lưu Ngôn)
(Trực hệ Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn Peh)
Thực hiện Quy chế của Tộc họ, ý kiến chỉ đạo của Tộc trưởng (Phú Văn Mái), Ban điều hành họ đã phân công cho ông Phú Hữu Tỏ trực tiếp đi thu thập tư liệu và biên soạn cùng với cộng tác của các thành viên trong tộc họ và tham khảo ý kiến các chuyên gia. Sau thời gian biên soạn đã được chỉnh sửa và bổ sung góp ý nhiều lần để hoàn thành tập Gia Phả đầu tiên của dòng tộc với các nội dung, bố cục như sau:
I. Phần thứ nhất: Bối cảnh lịch sử trước và sau khi xây dựng dòng tộc Kút Kuk Thang ( Kút Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn peh).
1/ Khái quát quá trình xây dựng dòng tộc và tạo lập Kút của cộng đồng Chăm Ahier vùng Panduranga (tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận ngày nay)
Dân tộc Chăm đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, có ngôn ngữ riêng và chữ viết riêng, có một nền văn hóa đặc sắc, đặc trưng được bảo tồn duy trì và phát triển tại vùng Paduranga. Tổ chức dòng tộc là một loại hình văn hóa tâm linh phổ biến tại các làng Chăm đã có từ lâu đời kể cả Chăm Ahier và Chăm Aval, dòng tộc Chăm Ahier gắn liền với việc tạo lập Kút (theo luân hồi: Sinh-Tử-Leihia-Hỏa táng-Ngăk dhi- Patrip-Mư Kút), còn Chăm Aval gắn liền với việc tảo mộ (Sinh-Tử-Ngăk thì-Chôn-Nao khul-Ngăk mukay), mỗi dòng tộc có một Kút riêng (giai đoạn đầu chỉ có Ram Kút) và lễ tục riêng (ngoài những đặc điểm chung theo qui ước của từng đền tháp). Các thế hệ trước hoạt động của dòng tộc được lưu truyền qua lời nói, tập tục để cụ thể hóa các nghi thức, hành lễ trong sinh hoạt tâm linh của tộc họ mình theo một hình thái riêng dưới sự điều hành từ ông Tộc trưởng (thường là họ kay, người có vai vế lớn được cả họ bầu hoặc chỉ định), sau năm 1975 (sau khi thống nhất đất nước Việt Nam vào ngày 30/4/1975) cùng với xu thế phát triển chung, tổ chức dòng tộc được chính quyền quan tâm chỉ đạo chặt chẽ hơn, đã có hướng dẫn chung về quy chế tổ chức và hoạt động của dòng tộc từ đó mỗi dòng tộc tự xây dựng quy chế, quy ước và kế hoạch thực hiện riêng phù hợp với từng địa phương và tộc họ mình.
Đối với tộc họ Lý Khanh Chớk (Lưu Ngôn), tổ chức hoạt động có phần chậm hơn so với các tộc họ khác trong làng (do yếu tố lịch sử để lại cùng với hậu quả của chiến tranh) nhất là việc tạo lập mãi đến năm 1979 mới hình thành được RamKút tại vị trí đất ruộng Muk Kay được đặt tên là Kút Kuk Thang (thuộc trực hệ Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn Peh) và đã tổ chức lễ nhập Kút lần đầu với 19 hài cốt thuộc thế hệ đầu tiên của tộc họ mình (19 hài cốt trong đó: 10 nữ, 9 nam). Tại sao chậm và vì sao lấy tên Kút như ngày nay (Kút Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn Peh) do những người tiền bối và những người trong cuộc vào thời kỳ đó đặt ra, duy trì đến nay. Nên Ban biên soạn chỉ kế thừa và lý giải cho rõ thêm nguyên nhân:
- Thời kỳ đó chiến tranh liên tục và kéo dài, dân làng khắp nơi cùng nhau chạy giặc đi ẩn nấu tứ xứ, việc định cư cũng chưa ổn định lâu dài một chỗ, nơi sinh hoạt đều bị xáo trộn nên việc tổ chức dòng tộc khó định hình. Giai đoạn này, mọi ưu tiên là bảo toàn tính mạng và tổ chức sản xuất lương thực để phục vụ cho chiến tranh, cho sinh hoạt gia đình và cho an ninh tại địa phương.
- Theo truyền thống mẫu hệ, Tộc họ Ná làm đám tang 04 Pa Seh, nên thế hệ thứ I (Lý Khanh Chơk-Lưu Ngôn) khi chết đi thì nhập Kút vào họ Ná, đến thế hệ thứ II (Muk Chek Chơk –Chek Va-Ôn Peh là con ruột của Lý Khanh Chơk) là con hai dòng máu, chưa có tiền lệ vào thời điểm đó nên khi chết đi chỉ tổ chức làm đám tang 02 Pa Seh và không được nhập Kút vào họ Ná, nên hài cốt được con cháu lưu giữ cho đến khi tạo dựng được Kút nhập vào Kút riêng của tộc họ mình (năm 1979)
- Vào thời kỳ đó, dân số ít, số hài cốt chưa nhiều, còn mất an ninh nên chưa được chú trọng để xây dựng dòng tộc và tạo lập Kút theo cách nào; đến khi ổn định tại làng Hậu Sanh (play Thuan) lại có sự phân vân giữa 2 Kok (môn) cùng một trực hệ Muk Cheh Chơk-Cheh Va-Ôn Peh lại có 2 Ciet Prok riêng (theo thường lệ mỗi tộc họ chỉ có một Ciet Prok, một bà bóng phục vụ chung) nên chưa thống nhất. Lý giải tại sao có 2 Ciet Pork nêu bật con nuôi của cánh bà Mùa.
- Cùng trong thời điểm đó họ hàng xảy ra nhiều biến cố bất thường liên quan đến tâm linh, nên đi bói nhiều chỗ, mời cả Chây Rum Mâh ở thôn Bỉnh Nghĩa đến nhà để xuống đồng, Muk Kay xuống phán bắt con cháu phải chịu phục dịch Kút Muh Kuk Thang (Kút ruộng không còn chủ, lúc đầu mỗi năm chỉ cúng ruộng cặp gà, hoa quả, sau phải cúng thủ tục như Kút chính mặc dù không có hài cốt), đến lúc lập RamKút cũng chỉ định Muk Kay mới phải làm tại vị trí đất ruộng Kuk Thang như bây giờ.
"