Quá trình xây dựng tộc họ và tạo lập Kút Kuk Thang (thuộc trực hệ Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn Peh)
Quá trình xây dựng tộc họ và tạo lập Kút Kuk Thang, có thể chia ra mấy giai đoạn như sau:
a) Thời kỳ cộng cư với tộc họ Kut Ná: Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn Peh được bà Thang Ôn là cháu ruột của ông Lý Khanh Chơk (Lưu Ngôn) nuôi coi như con ruột của mình vì gia đình bà không có con nên rất mừng và thương các con của chú mình như con đẻ. Thời kỳ đó đó, nhà nào giàu có và có chức phận thì thường phong lên làm chức bà Bóng (Muk Rija) nên bà được những người lớn tuổi và có uy tín lúc đó (Tổng Hưng, Lý Ngôn, Chek Kay và Dồn Nai) cử làm bà Bóng (Rija) của chi tộc bà Eh Mưh thuộc tộc họ Ná. Lúc bà còn sống có ý định bắt bà Ọt (Lưu Thị Pùi) để thay thế mình sau này, nhưng bà Ọt tìm mọi cách từ chối, sau nhiều lần thuyết phục không được, mới bắt con của bà Ọt là Lưu Thị Hấu vừa làm con nuôi vừa kế thừa làm bà Bóng (Rija) để phục vụ Ciet Prok chi tộc bà Eh Mưh của tộc họ Ná. Bà Hấu làm được vài năm bị bệnh chết giao lại cho bà Eh Thâu cũng làm được một thời gian rồi qua đời, mới giao lại cho bà Lưu Thị Mùa và hiện nay là cháu Lưu Thị Huyền Trâm (là cháu ruột của bà Mùa) đang kế thừa giữ Ciet Prok. Từ đó có thể suy luận cả quá trình sinh sống và trưởng thành của thế hệ Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn Peh là dưới sự bảo trợ của gia đình bà Thang Ôn và anhem Tổng Hưng, Lý Ngôn nên thời kỳ này còn cộng cư sinh hoạt trong tộc họ Kut Ná. Là thời kỳ thịnh vượng bên cánh gia đình bà Ọt (Lưu Thị Pùi) vì được thừa kế tài sản của bà Thang Ôn, vừa được chia thêm tài sản của ông Tổng Hưng và cha của mình (Lưu Ngôn).
b) Thời kỳ tiền khởi sự, sơ khai tộc họ riêng ‘phú quý sinh lễ nghĩa’ từ xung khắc về lợi ích và quan niệm ‘Chim có tổ, Người có tông’ khi cánh gia đình bà Đặng (là con của Muk Chek Chơk) giàu có lên và có chức phận (chồng làm Chánh tổng) thì mới tiến hành lập Criek Prok riêng để phục vụ cho cánh gia đình mình (bao gồm cả gia đình bà Klét là con của Muk Chek Va), nên giai đoạn này có 2 Ciet prok cùng tồn tại trong cùng trực hệ Muh Cheh Chơk-Cheh Va- Ôn Peh nhưng tính chất hoạt động, ý nghĩa tâm linh thì khác nhau. Ciet Prok chi tộc họ Ná chỉ phục vụ cho Muk Kay của chi tộc bà Eh Muh nên phụ thuộc vào sinh hoạt của Tộc họ Kut Ná, còn Criek Prok mới lập phục vụ cho Muk Kay thuộc trực hệ Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn Peh. Trong thời điểm này cũng nghe thông tin bên cánh gia đình bà Ọt muốn trả lại Ciet Prok cho tộc họ Ná nhưng không thành (vì Muk Kay) không thừa nhận.
Từ đó suy ra tộc họ Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn Peh đã hình thành trong thời kỳ này và người có công lao (người khởi xướng) chính là ông Tổng Thơ (Phú Thơ làm Chánh tổng). Ciet Prok mới lập giao cho người đầu tiên làm bà bóng (Muk Rija) là bà Lưu Thị Thế Ai (con ruột của bà Đặng), khi bà chết (năm 1949 do tai nạn chiến tranh) mới giao lại cho bà Lưu Thị Ba Ga (là em kế cũng là con bà Đặng), sau này vì bà vừa già yếu sức khỏe không đảm bảo nên mới đôn cháu Ngọc Ánh (con của bà Lưu Thị Bạch Bưởi) lên làm bà Bóng phục vụ Ciet Prok này cho đến nay.
c) Thời kỳ hình thành tổ chức tộc họ Kut Kuk Thang
Mặc dù cùng chung một trực hệ (Muk Chek Chơk-Chek Va-Ôn Peh) nhưng lợi ích thì khác nhau, bên cánh bà Ọt thừa kế tài sản của bà Thang Ôn nên chịu phục dịch Ciet Prok họ Ná, còn cánh bà Đặng (bà Klét) hưởng đất Hamu Kuk Thang nên chịu phục dịch cúng đất ruộng hàng năm (Ngăk Pô Bhum) đến khi Kút đăm (thần linh nhập) thì Muk Kay bắt phải phục dịch Kút (thường gọi là Kút hoang, gọi tắt Kút Muh Kuk Thang) lâu dài thì lại nảy sinh mâu thuẫn với nhau, rồi hiềm khích nhau một thời gian dài, cho đến khi trong tộc họ có nhiều hiện tượng bất thường xảy ra (như đột nhiên xuất hiện bệnh hiểm nghèo không rõ nguyên nhân, nhiều người chết oan, nhiều rủi ro liên tục,…) thì mới cùng nhau giải hòa (Lithei Kahari) đi đến thống nhất là thừa nhận những lời phán xét của Muk Kay phải chấp hành chung. (Tuy nhiên, sau này con cháu vẫn còn âm ỉ về mặt tư tưởng, một số người hẹp hòi sợ trách nhiệm, gánh không xuể,…)
Mãi đến khi thống nhất đất nước (30/4/1975), trở lại bình yên kinh tế dần hồi phục và phát triển thì mới đặt vấn đề phải củng cố tổ chức Tộc họ, sau nhiều phiên họp chung-riêng đi đến thống nhất đề cử ông Phú Vàng là vai vế lớn làm Tộc trưởng, ông Phú Văn Thiệt được ủy quyền trực tiếp điều hành và quán xuyến chuyện họ, ông Bá Lực làm đốc công họ, những người lớn tuổi và Ya Prách đều tham gia làm việc tộc họ theo sự phân công chung.
Thời kỳ này chỉ truyền đạt với nhau bằng lời nói và mệnh lệnh trực tiếp (chưa có văn bản như bây giờ) theo sự phân công của Tộc trưởng (trực tiếp là ông Phú Văn Thiệt). Thành tích nổi bật trong thời kỳ này là việc huy động nguồn lực để xây dựng Ram Kút và tổ chức lễ nhập Kút lần đầu của tộc họ vào năm 1979 (tháng 6 Chăm lịch) và tổ chức lễ khánh thành tường rào Kút vào năm 1982, công lao chính và là người hy sinh lợi ích riêng để làm việc chung cho tộc họ có được như ngày hôm nay chính từ bàn tay của ông Phú Văn Thiệt, là người đặt nền móng cho thế hệ mai sau về thông điệp: ‘Uống nước nhớ nguồn, lá rụng về cội’.
"